X

  • Trang chủ
  • Giới thiệu
    • Thư ngỏ
    • Tầm nhìn – Sứ mệnh
  • Chương trình
    • Chương trình Montessori
    • Chương trình STEM+Art (STEAM)
    • Chương trình Reggio Emilia
    • Chương trình Multiple Intelligences
    • Một ngày của trẻ 0-3 tuổi
    • Một ngày của trẻ 3-6 tuổi
  • Chăm sóc
  • Tin tức – Sự kiện
    • Tin tức
    • Sự kiện
    • Thư viện Video
  • Tuyển sinh
  • Liên hệ
Hệ thống Mầm non Lá Phong Xanh – The Maple Leaf Academy – Growing in Love
  THE MAPLE LEAF ACADEMY HỆ THỐNG MẦM NON LÁ PHONG XANH  
  • Trang chủ
  • Giới thiệu
    • Thư ngỏ
    • Tầm nhìn – Sứ mệnh
  • Chương trình
    • Chương trình Montessori
    • Chương trình STEM+Art (STEAM)
    • Chương trình Reggio Emilia
    • Chương trình Multiple Intelligences
    • Một ngày của trẻ 0-3 tuổi
    • Một ngày của trẻ 3-6 tuổi
  • Chăm sóc
  • Tin tức – Sự kiện
    • Tin tức
    • Sự kiện
    • Thư viện Video
  • Tuyển sinh
  • Liên hệ
  1. Trang chủ
  2. Chăm sóc
LÀM THẾ NÀO ĐỂ NUÔI DẠY NHỮNG ĐỨA TRẺ HẠNH PHÚC?
LÀM THẾ NÀO ĐỂ NUÔI DẠY NHỮNG ĐỨA TRẺ HẠNH PHÚC?
Không chỉ sức khỏe, giáo dục, nuôi dạy một đứa trẻ hạnh phúc để dễ dàng thành công trong cuộc sống cũng là một trong những mục tiêu mà nhiều bố mẹ hướng đến. Nuôi dạy những đứa trẻ hạnh phúc là việc mang lại cho con một tinh thần thoải mái, tích cực, và những kỹ năng quan trọng lâu dài, để giúp trẻ dễ dàng vượt qua khó khăn, luôn nỗ lực để đạt được mục tiêu của mình. Dưới đây là 10 cách để nuôi dạy những đứa trẻ hạnh phúc được chúng mình tổng hợp, bố mẹ có thể tham khảo nhé! 1. KHUYẾN KHÍCH TRẺ VUI CHƠI NGOÀI TRỜI Chạy trên sân cỏ, chơi trên xích đu, đào đất, đi bộ, đi xe đạp...đều là những hoạt động ngoài trời tốt cho trẻ em. Các nghiên cứu từ trang Sciencedirect cho thấy mùi hương từ thiên nhiên như: hoa, cây cỏ,..có thể thúc đẩy tâm trạng của trẻ. Ngoài ra, chơi ngoài trời có thể cải thiện các kỹ năng xã hội ở trẻ em. Một nghiên cứu được đăng trên Tạp chí Khoa học và Y học về Thể thao cho thấy trẻ em tăng thời gian chơi bên ngoài sẽ tăng sự đồng cảm, kiểm soát và gắn kết - đó là những năng xã hội quan trọng mà bất cứ đứa trẻ nào cũng cần thiết. Vì vậy, hãy biến việc chơi ngoài trời thành thói quen hàng ngày cho trẻ nhé. Ngay cả khi thời tiết không hoàn hảo, hãy khuyến khích con bạn đi xe đạp, chơi với những đứa trẻ hàng xóm và chạy xung quanh ngoài trời. 2. HẠN CHẾ TRẺ XEM TIVI, ĐIỆN THOẠI, IPAD Bé nhà bạn có thể rất thích và hứng thú với các chương trình trên tivi. Tuy nhiên, nếu dành quá nhiều thời gian cho các thiết bị điện tử sẽ không tốt cho sức khỏe và tâm lý của trẻ. Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Emotion vào năm 2018 cho thấy, thanh thiếu niên dành ít thời gian bên tivi, điện thoại, các thiết bị kỹ thuật số và dành nhiều thời gian cho các hoạt động như: chơi thể thao, đọc sách, học tập...sẽ giúp cuộc sống vui vẻ, hạnh phúc hơn. Bố mẹ có thể kiểm soát thời gian trên màn hình của trẻ bằng cách đặt ra giới hạn như: hạn chế quyền truy cập của trẻ, hạn chế thời gian xem (Ví dụ như 10 phút - 30 phút mỗi ngày). 3. BÀI HỌC VỀ LÒNG BIẾT ƠN Việc sống biết ơn và nói lời “Cảm ơn” giúp trẻ trở nên hạnh phúc và vui vẻ hơn trong cuộc sống. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là bạn luôn ép trẻ phải nói “Cám ơn” người khác khi trẻ thật sự không muốn. Một trong những cách tốt nhất để giúp trẻ em học về lòng biết ơn là bạn có thể làm gương cho con, bằng việc bạn thể hiện sự biết ơn ấy với những người xung quanh và dạy con làm điều tương tự. Không nhất thiết phải thể hiện bằng lời nói, bạn có thể khuyến khích con viết thư cảm ơn, tặng quà hay đôi khi là cái ôm cũng khiến người khác cảm kích. 4. HÃY ĐẶT KỲ VỌNG NHƯNG CÓ CHỪNG MỰC Sự kỳ vọng sẽ khích lệ sự cố gắng, nỗ lực của trẻ, tuy nhiên nếu bạn đặt kỳ vọng quá cao, vượt ngoài khả năng của trẻ thì có thể con sẽ cảm thấy áp lực về điều đó. Dù bạn đặt kỳ vọng gì ở con, hãy quan tâm rằng con có thích hay không, có thực sự muốn làm hay không, và đừng quên thường xuyên khích lệ, khen ngợi vì sự cố gắng của trẻ nhé. 5. DẠY TRẺ TỰ KIỂM SOÁT Ăn thêm bánh ngọt, bỏ dở bài tập về nhà vì mải chơi với bạn bè, xem TV thay cho làm việc vặt,...nhất thời có thể khiến trẻ vui vẻ nhưng lâu dài và duy trì thành thói quen thì sẽ gây hại. Vì vậy, dạy con biết kiểm soát hành vi và cảm xúc là điều cần thiết để học cách tự giác ngay từ khi còn nhỏ. Nghiên cứu tại Mỹ cho thấy, những người biết kiểm soát những điều nhất thời có thể hạnh phúc hơn. 6. LÀM VIỆC VẶT TRONG NHÀ Các nghiên cứu chỉ ra rằng cho trẻ làm việc nhà giúp chuẩn bị tốt hơn cho cuộc sống trong tương lai. Phân tích dữ liệu được thu thập qua 25 năm, Marty Rossman của trường Đại học Mississippi phát hiện ra những trẻ tập làm việc nhà khi chỉ từ 3, 4 tuổi có nhiều khả năng sẽ tự kiểm soát bản thân mình tốt hơn, xây dựng mối quan hệ tốt hơn với bạn bè, gia đình và thành công hơn trong công việc Vì khi làm việc nhà, trẻ được học về những gì mình cần làm để chăm sóc cho chính mình, chẳng hạn như học các kỹ năng: nấu cơm, dọn dẹp, sắp xếp đồ đạc… và cả kỹ năng giao tiếp từ việc hỏi bố mẹ cách làm hay khi làm cùng bố mẹ. Trẻ cũng sẽ cảm thấy tự tin và có trách nhiệm hơn vì giúp bố mẹ hoàn thành việc nhà sớm hơn, có nhiều thời gian để nghỉ ngơi hơn, bớt được căng thẳng, mệt mỏi. 7. ĂN TỐI CÙNG NHAU Bữa ăn gia đình không chỉ cung cấp dinh dưỡng mà còn giúp trẻ có sự cân bằng trong ăn uống, tránh rối loạn bữa ăn và tình trạng béo phì. Ngoài ra, bữa ăn gia đình, đặc biệt là bữa tối - cả nhà hội tụ đầy đủ sau một ngày các thành viên đi học, đi làm sẽ tạo ra không khí vui vẻ, háo hức của mọi đứa trẻ. Bữa ăn gia đình cũng có thể thúc đẩy sức khỏe tốt. Trẻ ăn cùng bố mẹ ít có khả năng thừa cân hoặc bị rối loạn ăn uống. Thanh thiếu niên ăn tối với cha mẹ cũng ít gặp phải các vấn đề lạm dụng chất gây nghiện hoặc thể hiện các vấn đề về hành vi. Nếu bạn có thể cùng nhau dùng bữa cho gia đình mỗi tối, thì đừng lo. Hầu hết các nghiên cứu đã tìm thấy những đứa trẻ được hưởng lợi từ việc ăn cùng bố mẹ vài đêm mỗi tuần. 8. TRÁNH ÉP BUỘC CON CÁI Mỗi đứa trẻ là một cá thể riêng có cá tính khác nhau. Vì vậy, việc áp đặt trẻ, so sánh con với những đứa trẻ khác có khả năng sẽ khiến trẻ bất mãn. Bên cạnh đó, hãy trao cho con quyền tự quyết định thay bằng ép con phải thực hiện. Điều này cũng giúp trẻ trở nên tự lập và dám chịu trách nhiệm cho hành vi của mình. 9. TƯƠNG TÁC THẬT NHIỀU VỚI CON Dù là đọc sách, đi chơi, đi bộ hay làm bất cứ điều gì cùng con hãy tương tác với con thật nhiều. Bởi lẽ, mỗi bố mẹ chính là đồ chơi tuyệt nhất của con. Mọi đứa trẻ đều muốn nhận được sự quan tâm và chú ý từ bố mẹ. Bởi vậy, lắng nghe, trò chuyện, thấu hiểu sẽ giúp gắn kết khiến con luôn tin tưởng bạn. 10. GIÚP ĐỠ NGƯỜI KHÁC Một nghiên cứu năm 2010 được công bố trên Tạp chí Tâm lý học xã hội đã chia những người tham gia thành ba nhóm. Một nhóm được yêu cầu thực hiện một hành động tử tế hàng ngày, một nhóm khác được yêu cầu làm điều gì đó mới và nhóm thứ ba không có hành động nào phát sinh. Các nhà nghiên cứu nhận thấy rằng chỉ sau 10 ngày, các nhóm thực hiện hành động tử tế và những người làm những điều mới đã trải qua nhiều khoảnh khắc hạnh phúc. Giúp đỡ người khác cũng là một cách cho đi lòng tốt và nhận lại được nhiều điều tích cực. Chúc bố mẹ luôn nuôi dạy những em bé hạnh phúc bằng tất cả sự kiên nhẫn và tình yêu vô bờ bến nhé!
2807/2020
BỐ MẸ CÓ ĐANG BAO BỌC CON QUÁ MỨC KHÔNG
BỐ MẸ CÓ ĐANG BAO BỌC CON QUÁ MỨC KHÔNG
Bạn cố gắng bảo vệ con để con khỏi bị ngã? Bạn cố gắng che chở con khỏi nỗi buồn và thất vọng? Bạn cố gắng ngăn con phạm lỗi hay tự mình thử sức? Bạn làm bài tập về nhà thay cho con? Khi con tranh cãi với bạn bè thì bạn gọi điện cho phụ huynh của em bé để mình trực tiếp giải quyết? Nếu bạn làm như vậy, có lẽ là bạn đang cố gắng bao bọc con. Bạn không muốn con phải khổ hay bị tổn thương. Bạn muốn giúp con và hỗ trợ cho con. Bạn muốn con cảm thấy mình được yêu thương và được quan tâm ( và bạn cho rằng cách tốt nhất để con cảm nhận được điều ấy là mình cần bảo vệ cho con thật tốt). Có thể bạn cũng không nhận ra được rằng mình đang bao bọc con quá mức. Nhưng cách nuôi dạy con kiểu bao bọc này cũng mang lại vấn đề. Nhà Tâm lý học Lâm sàng Lauren Feiden, thực hành trị liệu về mối quan hệ giữa bố mẹ và con cái nói: “Cách nuôi dạy này sẽ không khích lệ con biết chịu trách nhiệm và khiến con ngày càng phụ thuộc và bố mẹ.” Bà cũng cho rằng nó sẽ làm giới hạn trải nghiệm của con, khiến con không biết như thế nào là tốt cho mình. Nhà công tác xã hội Liz Morrison nói rằng, trẻ nhỏ khi được che chở khỏi những hoàn cảnh bất lợi thì lúc lớn lên con sẽ không biết cách tự mình vượt qua như thế nào. Khi ấy, con có thể lo lắng, thiếu tự tin vào bản thân hay thậm chí có cách nhìn sai lệch về trách nhiệm của bố mẹ. Trẻ có thể bắt đầu cho rằng là bố mẹ thì phải bao bọc, che chở mình và kỳ vọng rằng mình sẽ được như vậy mãi. DẤU HIỆU BỐ MẸ ĐANG BAO BỌC CON QUÁ MỨC - Bạn không để con được tự do khám phá. Chẳng hạn bạn không cho con chơi ngoài sân vì sợ con vấp ngã khi chạy hay sợ con nghịch bẩn. - Bạn làm thay cho con trong khi đó là việc con có thể tự làm được. Giống như việc bạn mặc quần áo cho con hoặc buộc dây giày cho con, mặc dù khi không có mặt bạn ở đó con vẫn có thể tự làm được. - Bạn thấy mình cần phải biết mọi thứ về con như con đang làm gì, nghĩ gì hay đang làm ra sao. - Bạn tham gia quá nhiều vào việc học của con. Bạn có thể cố gắng để con được học giáo viên giỏi nhất, được xếp vào lớp tốt nhất. - Bạn “giải cứu” con khỏi những tình huống bạn cho rằng con đang thấy khó khăn hoặc không thoải mái. Ví dụ, con thấy ngượng khi phải nói chuyện với người lạ nên con trốn phía sau bạn, nên bạn tự mình giới thiệu con với người đó. (Điều này có thể vô tình khiến trẻ tiếp tục tránh nói chuyện với những người lạ sau này vì biết rằng bạn sẽ làm giúp con và đứa trẻ cũng sẽ không học được cách tự kiểm soát cảm xúc của mình.) LÀM GÌ ĐỂ CON BỚT PHỤ THUỘC HƠN VÀO MÌNH KHI BẠN TRƯỚC ĐÓ ĐÃ QUÁ BAO BỌC CON? Nếu bạn thấy mình có những dấu hiệu trên, chúng mình hy vọng những giải pháp dưới đây có thể giúp ích cho bạn:  KHUYẾN KHÍCH CON TỰ LẬP TỪNG CHÚT MỘT Feiden nói: “Giúp con có được sự tự lập là rất cần thiết cho sự phát triển của trẻ em.” Bà cho rằng bố mẹ cần nhắn nhủ bản thân mình là khi con biết cách tự mình giải quyết vấn đề sẽ giúp trẻ tự tin hơn vào bản thân cũng như có khả năng điều chỉnh được cảm xúc của mình. Feiden nói một ví dụ: Nếu con nói rằng con không thể tự buộc được dây giày, bố mẹ có thể khuyến khích con thử làm. Khen ngợi con khi con tự làm. Nếu con bị trầy đầu gối trong khi chơi, hãy bình tĩnh và nói cho con biết rằng không sao cả. Khuyến khích con tiếp tục chơi tiếp thay vì chỉ chăm chăm để ý vào vết xước hoặc nói với con không được để tránh con có thể bị trầy lần nữa.” Thực sự là, trẻ có thể cảm nhận được sự lo lắng của bố mẹ, do vậy, đó là lý do quan trọng vì sao mình nên giữ bình tĩnh khi con phải đối mặt với những tình huống khó khăn. Feiden nói: “Khi bố mẹ càng bình tĩnh và khích lệ con thì con cũng sẽ thấy bình tĩnh hơn.” LÀM MẪU CHO CON THẤY CON CÓ THỂ ĐỐI MẶT NHƯ THẾ NÀO VỚI NHỮNG TÌNH HUỐNG KHIẾN CON CÓ CẢM GIÁC KHÓ CHỊU, LO LẮNG Bạn có thể chỉ cho con thấy mình đối mặt với những nỗi sợ, tình huống khó khăn như thế nào. Ví dụ, bạn có thể nói với con rằng: “Thỉnh thoảng bố thấy sợ khi gặp người là nhưng bố tự nhủ rằng mình phải dũng cảm lên. Sau đó, bố hít một hơi thật sâu để lấy bình tĩnh và nói lời chào với họ.” Feiden nói. CHO CON QUYỀN QUYẾT ĐỊNH Morrison nói, khi con bị điểm kém, bố mẹ có xu hướng bao bọc con sẽ có thể trực tiếp nói chuyện với giáo viên để xem mình có thể thay đổi như thế nào, thay vào đó, sẽ tốt hơn nhiều nếu con tự mình nói chuyện với giáo viên của mình. Nếu bố mẹ nhảy vào và giải quyết giúp con, con sẽ không bao giờ học được cách tự mình đối mặt với vấn đề của mình. Tương tự như vậy, bạn có thể cho con quyền quyết định khi giải quyết mâu thuẫn với bạn bè bằng cách nói trước với con về việc mọi thứ đang như thế nào và có những giải pháp khác nhau để con được tự lựa chọn. Ngoài ra, mình cũng để con được trải nghiệm thế nào là thua cuộc, mất mát - bởi đó là một phần không thể thiếu của cuộc sống và nó cũng sẽ giúp con kiên nhẫn hơn. Ví dụ, bạn có thể để con được tham gia một cuộc thi dù ở đó bạn biết rằng con sẽ không giành được chiến thắng. Khi ấy, có thể con sẽ biết rằng hoạt động đó là không phù hợp với mình hoặc con sẽ biết có những cách khác để đạt được kết quả tốt hơn. Mặc dù biết rằng tình yêu thương con cái, bản năng của chúng ta muốn bảo vệ con khỏi những nguy hiểm tiềm ẩn. Nhưng việc bảo vệ con khỏi những khó khăn, thất bại hay bị từ chối hoặc những trải nghiệm tiêu cực khác sẽ có thể làm kìm hãm sự phát triển của con. Khi con phụ thuộc vào mình thì nó chỉ góp phần làm cản trở con học cách tự lập. Và do vậy, điều quan trọng hơn cả là cho con học những kỹ năng cần thiết, con được tự mình trải nghiệm, con sẽ có những sự lựa chọn tốt hơn cho riêng mình.
2807/2020
Hãy cùng nuôi dạy những em bé hạnh phúc…
Hãy cùng nuôi dạy những em bé hạnh phúc…
Hãy cùng nuôi dạy những em bé hạnh phúc… Bằng việc đừng đặt nhu cầu và cảm xúc của con xuống dưới người lớn...  Một người lớn đang giơ tay ra đòi bế bé, mặc dù bé khóc lóc không muốn nhưng bố mẹ vẫn để cho người lớn bế bé…  Một người hàng xóm trêu bé là “sắp ra rìa rồi”, lấy đồ của bé rồi trêu chọc bé khiến bé cực kì khó chịu và tức giận nên bố mẹ vì ngại nên không nói gì…. Chúng ta vẫn gặp những trường hợp như thế hàng ngày. Người lớn thường chỉ chú ý đến niềm vui của mình, bỏ qua những cảm xúc của trẻ vì “trẻ con mà, biết gì” hay “trẻ con làm gì biết buồn”…. Nhưng trẻ con cũng là con người, cũng biết suy nghĩ, cũng có cảm xúc yêu ghét rõ ràng. Chỉ là vì trẻ còn bé, còn phụ thuộc vào người lớn nên đôi khi người lớn tự cho mình quyền được trêu chọc, ép buộc trẻ Đôi lúc, nhìn thấy những người không biết làm thế nào để nói chuyện với trẻ, thu hút sự chú ý của trẻ nên chỉ cố tình chọc trẻ, trêu trẻ, giấu đồ của trẻ, cố nói để trẻ tức giận, chúng mình thật sự chỉ muốn nói một câu là: “Bạn không biết nói gì với trẻ thì chỉ cần lặng im ở bên trẻ thôi”. Dường như nhiều người xem việc trêu chọc để trẻ phải bực mình, phải lên tiếng là cách duy nhất để giao tiếp với trẻ. Họ muốn giao tiếp với trẻ nhưng lại không quan tâm việc giao tiếp đó có khiến trẻ vui hay không, họ chỉ thỏa mãn nhu cầu của riêng mình. Một số người khác thì chỉ đơn thuần muốn chứng tỏ là mình yêu trẻ con, có việc để làm với trẻ thay vì ngồi không. Là cha mẹ, chúng ta nên hành xử thế nào khi có những người cứ cố tình trêu chọc con mình, ép con mình làm những việc con không muốn như thế? Thông thường chúng ta thường ĐẶT TRẺ CON DƯỚI NGƯỜI LỚN, chúng ta xuề xòa cho qua nhưng hành động vô ý của người lớn, ép con phải làm theo mà không nghĩ đến cảm nhận của con trẻ. Đó là lí do vì sao có những đứa trẻ lúc đầu thì rất vui vẻ, tự tin dần dần trở nên nhút nhát, sợ sệt Giải pháp mà Lá Phong Xanh ưu tiên luôn luôn là nói chuyện rõ ràng với trẻ, giải thích vì sao người lớn đó lại làm như thế và việc làm của họ là ĐÚNG hay SAI. Chúng ta thường có suy nghĩ không nói rõ đúng sai trong việc làm của người lớn với con trẻ vì ngại ngần, không muốn trẻ nghĩ là người lớn lại làm sai nên khiến trẻ bị lẫn lộn đúng-sai, chịu ấm ức. Ví dụ, nếu ai đó (nhất là họ hàng, người thân, bạn bè) thấy bé có hành vi nào đó sai và dạy dỗ bé thay bạn bằng cách quát mắng, dọa dẫm hay thậm chí là đánh bé, hãy vỗ về bé và giải thích rõ ràng hành vi của người lớn đó là SAI. Tuy nhiên, hãy nói rõ rằng họ làm thế không phải vì họ ghét bé mà vì họ yêu bé, lo lắng cho bé nhưng họ không biết tìm cách nào khiến bé dễ chấp nhận hơn và thuyết phục bé thông cảm cho họ. Bên cạnh đó, hãy nói rõ ràng với người đó vì sao bé lại phản ứng lại với cách hành xử của người đó (vì ở nhà bố mẹ không xử lí như thế, vì bé nhạy cảm với việc đó…) và đề nghị họ xin lỗi bé. Người lớn thường thấy mình luôn đúng, không sai và không chịu xin lỗi trẻ con, cảm thấy VIỆC XIN LỖI MỘT ĐỨA TRẺ VÀ NHẬN MÌNH SAI LÀ RẤT MẤT MẶT nên ít ai chịu làm. Nếu họ chân thành thấy họ sai và xin lỗi thì có thể hóa giải hiểu lầm, bé cũng sẽ vui vẻ chấp nhận chơi/ nói chuyện với người đó sau này, không còn sợ sệt, né tránh nữa. Còn nếu không thì bố mẹ cũng nên cân nhắc hạn chế để bé tiếp xúc với những người đó hoặc luôn có mặt để can thiệp, xử lí kịp thời khi bé tiếp xúc với những người đó. Suy cho cùng thì sự phát triển và sức khỏe tinh thần của con quan trọng hơn những mối quan hệ không tôn trọng lẫn nhau, thà đắc tội với họ còn hơn đắc tội với con Hay nếu một người nào đó đòi bế bé mà bé không thích, hãy khuyến khích bé nói rõ ràng: “Cháu không muốn được ôm”. Lời nói rõ ràng của bé có thể sẽ khiến người lớn đó ngạc nhiên vì trẻ lại nói rành mạch được như thế và cũng chịu thôi. Bạn cũng có thể đưa ra cho bé những phương án thay thế như đập tay, bắt tay… Việc hướng dẫn bé cách xử trí trong những trường hợp như vậy sẽ giúp bé chủ động hơn. Nhưng quan trọng bố mẹ phải cho bé hiểu những giới hạn của những hành vi phản ứng phù hợp và chấp nhận những hành vi phản ứng phù hợp của con trẻ, nhìn nhận Ở CẢ GÓC ĐỘ CẢM XÚC CỦA TRẺ chứ không chỉ là nhu cầu của người lớn. Việc này sẽ giúp bé tự tin, không chống đối một cách tiêu cực và cũng giúp bố mẹ tránh được những tình huống khó xử Hay nếu như một ai đó luôn trêu chọc bé, khiến bé khó chịu và tức giận, hãy LẬP TỨC GIẢI THOÁT CHO BÉ bằng cách không để người đó có cơ hội trêu bé nữa. Hãy nói rõ ràng cho bé hiểu có những người không biết giao tiếp với con trẻ như thế nào nên cố bắt chuyện với trẻ con bằng cách trêu chọc, con có thể không cần để ý đến họ. Sau đó, hãy giải thích cho những người đó vì sao họ không nên làm thế, vì sao nên tôn trọng trẻ và cảm xúc của trẻ. Đó là bài học miễn phí vô giá cho họ, nếu họ không nhận thì cũng nên cân nhắc việc giao du với họ hay hạn chế cơ hội để họ tiếp xúc với con bạn. Đừng đặt con xuống dưới người khác nếu thứ bạn mong muốn hơn những mối quan hệ đó là con bạn có thể lớn lên khỏe mạnh, vui vẻ và tự tin. Và cuối cùng, bố mẹ hãy chú ý một chút đến những buổi tụ tập, liên hoan của mình khi mà các ông bố bà mẹ túm lại ăn uống, chuyện trò còn để mặc lũ trẻ chơi điện tử, xem ti vi hay không có hoạt động gì. Đơn giản nhất là hãy tụ tập ở một không gian ngoài trời, có khu chơi cho trẻ để trẻ có thể vui vẻ chơi trong lúc bố mẹ trò chuyện. Hoặc nếu tụ tập ở nhà hãy dành ra một phòng để trẻ chơi với nhau và có người lớn luôn để mắt/ hướng dẫn nhé! Tương tự những chuyến đi thăm hỏi, đám cưới.... hãy luôn tìm ra không gian và hoạt động cho trẻ thay vì bắt trẻ đi theo và chờ đợi, ngoan ngoãn trong lúc người lớn trò chuyện. Hãy luôn để ý đến nhu cầu và cảm xúc của trẻ nhé
0407/2020
Giáo dục sớm là gì? Có nên giáo dục sớm cho trẻ không?
Giáo dục sớm là gì? Có nên giáo dục sớm cho trẻ không?
Có lẽ các bậc phụ huynh hiện đại không còn xa lạ gì với thuật ngữ “giáo dục sớm”. Bởi khi tìm hiểu về phương pháp này, rất nhiều bậc cha mẹ đã lựa chọn cho con mình các cách giáo dục sớm phù hợp để con có được sự phát triển tốt nhất với tiềm năng vốn có. Hiểu một cách đơn giản, giáo dục sớm là giáo dục nhằm bồi dưỡng những tố chất để giúp trẻ có sự phát triển toàn diện nhất cả về phẩm chất trí tuệ và phẩm chất phi trí tuệ của con trẻ. Tiến hành giáo dục sớm sẽ giúp trẻ có cơ hội phát triển tối đa tiềm năng trí tuệ, khai mở trí thức, bồi dưỡng nhân cách cho bé ngay từ khi còn nhỏ. Điều này sẽ tạo nền tảng vững chức cho sự phát triển tương lai sau này. Để hiểu hơn về Giáo dục sớm là gì? Cũng như có nên giáo dục sớm cho trẻ không, mời bạn cùng Lá Phong Xanh tìm hiểu nội dung bài viết dưới đây. Giáo dục sớm là gì? Trong nền giáo dục hiện đại ngày nay, các bậc phụ huynh chắc chắn được nghe nhiều đến ‘giáo dục sớm”. Vậy Giáo dục sớm là gì? Có thể hiểu một cách đơn giản nhất, thì đây chính là phương pháp giáo dục mà bậc làm cha làm mẹ áp dụng cho con mình ngay từ khi còn nhò. Mục đích mà phương pháp này hướng đến chính là giúp cha mẹ hiểu được vai trò quan trọng của việc nuôi dạy con cũng như giúp con cái mình có nền tảng vững chắc và tòan diện để trở thành những người có ích cho xã hội sau này. Phương pháp này được áp dụng đối với đối với trẻ trong giai đoạn từ 0-6 tuổi. Bởi đây chính là thời gian mà não trẻ phát triển rất nhanh và trẻ tiếp thu một cách tốt nhất trong suốt cuộc đời. Các trẻ luôn mong muốn và khao khát được khám phá thế giới xung quanh, trẻ muốn được học hỏi tìm tòi, vì thế sẽ là thời gian tốt để khai phá tiềm năng của trẻ. Việc giáo dục sớm còn giúp phát huy những tố chất tốt đẹp, xây dựng nên tính cách tốt, từ đó làm nền tảng vững chắc cho sự phát triển con người sau này. Phương châm hướng đến của phương pháp này chính là làm phong phú đời sống tinh thần của trẻ, xây dựng các môi trường trí tuệ, vận động, thẩm mỹ… phù hợp cho con trẻ trong giai đoạn đầu. Nội dung của giáo dục sớm – Hình thành thói quen tốt qua việc rèn luyện các hành vi hằng ngày – Xây dựng lòng đam mê, khám phá trí tuệ – Phát triển ngôn ngữ nghe và nói đồng thời – Rèn luyện một cơ thể khỏe mạnh qua việc khuyến khích trẻ vận động khám phá – Có tình yêu thương với tất cả những thứ tốt đẹp Lợi ích của việc giáo dục sớm Não của trẻ trong giai đoạn từ 0 đến 6 tuổi nếu được kích thích đúng cách và đầy đủ, sẽ mang đến cho trẻ sự phát triển tốt nhất. Giáo dục sớm giúp: – Trẻ tự tin, linh hoạt hơn. – Trẻ trở lên thông minh hơn với những tài năng vượt trội hay tiềm năng vốn có. – Trẻ thể hiện sự đam mê, thích thú nhất định trong một số lĩnh vực. – Trẻ biết yêu thương và gắn bó với gia đình, bạn bè và thế giới xung quanh. Bên cạnh đó, còn vô số những giá trị mà giáo dục sớm đem lại cho thể hệ trẻ hiện nay. Nhưng qua đây đã đủ để các bậc phụ huynh nhận thức được tầm quan trọng của việc giáo dục sớm. Bên cạnh đó, thôi thúc các bậc cha mẹ tìm hiểu ngay những phương pháp khoa học hiện đại để khơi dậy tiềm năng ngay từ những giai đoạn đầu đời. Điều này giúp kích thích và phát triển não bộ, xây dựng cuộc đời sau này của trẻ. Có nên giáo dục sớm cho trẻ không? Việc tiến hành giáo dục sớm cho trẻ nhận được sự quan tâm lớn của các bậc phụ huynh.  Có nên giáo dục sớm cho trẻ không là điều băn khoăn mà hầu hết quý phụ huynh đặt ra khi tìm hiểu và áp dụng phương pháp này trong giáo dục, nuôi dưỡng trẻ. Nếu có một lý do nào đó cản trở các bậc phụ huynh không quan tâm tới việc dạy con sớm, đó chính là họ nghi ngờ về lợi ích và sự phù hợp của chương trình này. Với những người còn băn khoăn vì điều này thì bạn có thể hoàn toàn yên tâm khí áp dụng giáo dục sơm cho trẻ. Giáo dục và nuôi dưỡng trẻ không bao giờ là quá sớm cả. Hơn hết là phải tìm cho con một phương pháp giáo dục thực sự phù hợp. Để hiểu được nội dung cụ thể hơn của phương pháp Giáo dục sớm là gì? Có nên giáo dục sớm cho trẻ không?
0107/2020
9 cách dạy con ngoan mà không cần roi vọt
9 cách dạy con ngoan mà không cần roi vọt
Các bố mẹ thường rất ngạc nhiên khi nghe các chuyên gia chia sẻ rằng họ không dùng bất kỳ hình phạt nào với con, nhưng bọn trẻ vẫn luôn cư xử tốt. Bí quyết dạy con của họ có thể khiến bạn bất ngờ. Trẻ em luôn học hỏi từ chính cuộc sống hàng ngày và cách hiệu quả nhất để dạy bọn trẻ là làm mẫu và đối xử với chúng theo cách mà bạn muốn chúng đối xử với người khác, bằng tình thương và sự thấu hiểu chứ không phải la mắng hay sử dụng các biện pháp kỷ luật. Điều đó không có nghĩa rằng bạn không đưa ra những quy tắc hành xử. Không chạy ngoài đường, không đánh em, không đi tiểu trên thảm, không hái trộm hoa của hàng xóm, không làm tổn thương các con vật... đều là những nguyên tắc mà bạn tự lập ra để dạy con nhưng không cần phải phạt trẻ chỉ để ép chúng làm đúng các quy định đó. Chắc bạn sẽ thắc mắc làm sao trẻ có thể học cách không mắc lại sai lầm cũ nếu bạn không phạt chúng ở lần sai đầu. Bạn luôn cho rằng phải phạt bọn trẻ để dạy cho chúng một bài học. Thực tế, các nghiên cứu chỉ ra rằng sử dụng hình phạt với trẻ sẽ tạo ra những hành động sai trái hơn. Khi bị phạt, trẻ sẽ cảm thấy tức giận và trở nên phòng thủ với mọi thứ xung quanh. Một loại hóc-môn có tên là Adrenalin sẽ nhấn chìm bọn trẻ trong cảm giác muốn chiến đấu thay vì hòa bình, hợp tác. Trẻ sẽ sớm quên những hành động xấu khiến chúng bị phạt và tạo cảm giác sợ hãi, muốn che đậy ở trẻ. Thay vì phạt trẻ, bạn hãy quan tâm, yêu thương và trở thành những tấm gương để chúng noi theo. Khi đó, trẻ sẽ chấp nhận những quy tắc chúng ta đưa ra một cách dễ dàng hơn. Vậy, chúng ta có thể làm gì để giúp trẻ sống có kỷ luật? Điều chỉnh cảm xúc của bản thân Đó cũng là một điểm bọn trẻ sẽ học từ bạn. Đừng hành động nóng vội khi đang tức giận hay chán nản. Hãy hít thở thật sâu, đợi đến khi bạn bình tĩnh hơn và làm chủ được tình hình. Học cách thấu hiểu Bạn phải hiểu rằng khi bọn trẻ nóng giận thì chúng không thể học được gì. Thay vì giảng giải, hãy đưa chúng đến một nơi yên tĩnh, giúp chúng bình tĩnh lại. Đó không phải là một hình phạt mà là một cơ hội để bạn hiểu con hơn. Nếu trẻ vẫn tỏ ra sợ hãi và hoảng sợ, đừng cố giải thích về lỗi lầm của con. Thay vào đó, bạn hãy tạo cho trẻ một cảm giác an toàn và được yêu thương. Sau đó, khi con cảm thấy bình tĩnh hơn, bạn có thể gần gũi con và nói cho con hiểu vấn đề. Giúp đỡ con Lấy ví dụ như việc tập ngồi bô, bạn sẽ phải giúp con ở những lần đầu. Nhưng khi con đã làm nhiều lần, chúng sẽ tự tin hơn và có thể tự làm. Điều này cũng tương tự như khi bạn dạy con nói lời Cảm ơn, Đợi đến lượt, Không làm quên đồ, Làm bài tập về nhà và nhiều điều khác nữa. Tạo thói quen là một điều rất quan trọng giúp trẻ có những khung hướng dẫn xây dựng những kỹ năng cơ bản, giúp hình thành tính cách. Bạn có thể nổi điên với việc trẻ liên tục quên áo khoác nhưng việc la mắng không giúp trẻ ghi nhớ. Kết nối trước khi đưa yêu cầu Trước khi bạn đưa ra những hướng dẫn hay những yêu cầu đối với con, hãy cho trẻ thời gian để làm quen với bạn, đánh thức ham muốn học hỏi từ trẻ. Hãy nhớ rằng trẻ sẽ cư xử sai khi chúng cảm thấy tiêu cực về bản thân và không có sự kết nối với người xung quanh. Ví dụ: - Cúi xuống và nhìn ngang tầm mắt con: “Con đang cư xử không tốt đâu… Hãy nói cho mẹ điều con muốn.... và không được cắn” - Ôm con: “Con ước rằng mình có thể chơi lâu hơn…nhưng đến giờ đi ngủ rồi” - Ánh mắt âu yếm: “Trông con có vẻ đang rất buồn” Đưa ra những quy tắc với sự đồng cảm Tất nhiên bạn sẽ muốn nhấn mạnh vào một vài quy tắc nhưng bạn cũng cần quan tâm đến cảm xúc của trẻ. Khi trẻ cảm thấy được hiểu, chúng sẽ chấp nhận những nguyên tắc dễ dàng hơn. Hướng dẫn trẻ cách sửa sai Hãy hướng dẫn trẻ bài học này thật sớm để bạn có thể truyền tải những thông điệp của bản thân một cách dễ dàng nhất. Ví dụ như việc bạn dùng khăn giấy lau sạch sữa đổ của con, không phàn nàn và không xấu hổ. Khi trẻ lớn hơn, chúng sẽ bình tĩnh khi xử lý những cơn cáu giận với các em. Tấm gương về sửa lỗi và xin lỗi sẽ giúp con học một cách nhanh nhất. Hãy nhớ rằng tất cả các hành vi sai trái cũng là một cách ứng xử theo một nhu cầu chính đáng nào đó (mặc dù sai). Khi con hành động sai, chúng cũng có những lí do riêng. Lúc đó, bạn nên quan sát xem có phải trẻ đang cáu vì thiếu ngủ hay vì một lí do nào đó không. Hãy trò chuyện với con hoặc cho trẻ thời gian riêng để khóc và giải phóng cảm xúc xáo trộn bị kìm nén. Sau khi trẻ thỏa mãn những nhu cầu cơ bản trên, chúng sẽ hiểu và dừng những hành vi sai trái. Gia tăng kết nối với con hàng ngày Hãy tắt điện thoại, máy tính và trò chuyện với con để nghe con thủ thỉ những điều thầm kín nhất. Khi bạn trở thành một người bạn của trẻ, chúng sẽ dễ hợp tác hơn. Hãy nhớ rằng sự tốt bụng là một phép màu Tất nhiên là bạn phải tốt với con nhưng hãy làm như vậy với bản thân mình nữa. Bạn không thể là những người cha mẹ giàu tình thương nếu bạn không yêu chính bản thân mình. Hơn thế, con của bạn có thể sẽ hành động đúng như những gì chúng thấy từ bố mẹ. Do vậy, hãy bắt yêu thương bản thân ngay từ hôm nay nhé!
0107/2020
Một số các hoạt động Montessori tại nhà dành cho trẻ 0-3 tuổi
Một số các hoạt động Montessori tại nhà dành cho trẻ 0-3 tuổi
Lời khuyên dành cho cha mẹ Chúng ta hãy nhớ làm mọi thứ thật vui vẻ, nếu ba mẹ cảm thấy quá sức, hãy dừng lại trong một khoảng thời gian và sau đó tiếp tục! 1. Chỉ đưa ra cho trẻ những thứ mà bạn có thể làm sạch – có thể là nước, xà phòng rửa chén, một chai dầu gội kích cỡ nhỏ 2. Chuẩn bị dụng cụ làm sạch – găng tay để lau sạch các vết đổ, chổi và cây lau nhà với kích cỡ trẻ em có thể sử dụng để dọn dẹp 3. Khi con 2 tuổi, hãy chú ý các hoạt động ngắn với một hoặc hai bước. Khi con thành thạo hãy chuẩn bị các hoạt động thêm các bước như: đeo tạp dề, dọn dẹp sau khi thực hiện, lấy khăn ướt để giặt… 4. Tập trung vào quá trình chứ không phải kết quả - khi con bạn hỗ trợ chắc chắn chúng ta sẽ mất nhiều thời gian hơn và có thể kết quả sẽ không được hoàn hảo nhưng con bạn đang học cách thành thạo các kỹ năng này và bạn sẽ có một người giúp đỡ lâu dài, hiện tại và sau này tại gia đình. 5. Luôn tìm ra những cơ hội để con bạn có thể giúp – khi trẻ nhỏ thì chúng ta có thể nhờ trẻ hỗ trợ một số những hoạt động đơn giản (trẻ 18 tháng có thể giúp mang áo phông khi bạn đang mang quần vào giỏ giặt và có thể rửa một ít lá xà lách cho bữa tối); khi con được 2 tuổi, con có thể hỗ trợ nhiều hơn. 6. Tìm kiếm các giỏ, khay, dụng cụ đơn giản, phù hợp để hỗ trợ cho vệc thực hành của trẻ. 7. Trông mọi thứ có hấp dẫn không? Chúng ta có thể suy nghĩ tới việc sắp xếp các giáo cụ với một tông màu, các đồ dùng trông mới, đẹp và không cần quá nhiều khay hoặc giỏ để chúng trông hấp dẫn. 8. Cân nhắc về vấn đề khoản tiền bạn có thể chi trả - Tôi chắc chắn bạn có thể tạo ra các hoạt động này với những thứ bạn có sẵn xung quanh nhà và tìm kiếm một vài thứ đặc biệt để giúp cho hoạt động hấp dẫn hơn. Những lợi ích mà trẻ có được Không chỉ có niềm vui từ các hoạt động montessori này mà những hoạt động này cũng rất tuyệt vời để trẻ có thể giải tỏa năng lượng, đặc biệt với những em bé hiếu động. 1. Con bạn học cách để chịu trách nhiệm với những hoạt động trong gia đình 2. Những kỹ năng này đòi hỏi sự lặp đi lặp lại để đạt tới sự thành thạo, rất tốt cho sự tập trung của trẻ. 3. Con bạn cảm thấy là một phần của gia đình và có thể góp góp một điều gì đó. 4. Cha mẹ có thể xây dựng một chuỗi các hoạt động với nhiều bước làm việc để trẻ có thể thực hiện khi mức độ tập trung của con tăng lên. 5. Tham gia nhiều chuyển động – đây là điều tuyệt vời để tinh chỉnh các kĩ năng vận động tinh và vận động thô, ví dụ: rót nước mà không làm đổ, sử dụng miếng bọt biển 6. Trẻ có nhiều cơ hội để phát triển ngôn ngữ qua việc rèn luyện những kỹ năng mới, xây dựng tính độc lập và tính tự lực.  
0107/2020
NHỮNG ẢNH HƯỞNG ĐẾN PHÁT TRIỂN TRÍ TUỆ CỦA TRẺ
NHỮNG ẢNH HƯỞNG ĐẾN PHÁT TRIỂN TRÍ TUỆ CỦA TRẺ
Hẳn không ít những bậc cha mẹ luôn mong muốn con mình được khỏe mạnh, thông minh và hạnh phúc hơn. Bố mẹ sẽ tạo dựng cho trẻ một môi trường như thế nào để trẻ phát triển một cách toàn diện? Dưới đây là những điều đã được khoa học đã chứng minh sẽ giúp trẻ từ tuổi sơ sinh đến khi dậy thì thông minh hơn. 1. Học nhạc Năm 2003, GS tâm lý học Glenn Schellenberg thuộc Đại học Toronto, Canada đã thực hiện một nghiên cứu cho thấy việc được học nhạc từ nhỏ sẽ giúp trẻ em phát triển trí tuệ. Giáo sư đã thí nghiệm với hai nhóm trẻ em, một nhóm được học nhạc (hát, chơi nhạc cụ), một nhóm học kịch nói hoặc không học bất cứ môn năng khiếu nào. Kết quả là sau cuộc thí nghiệm, điểm trắc nghiệm IQ của nhóm trẻ được học nhạc tăng vọt lên so với trước đó. Ngoài ra, nhóm trẻ này cũng có kết quả học tập nói chung tốt hơn nhóm không được học nhạc. Trên thực tế, cuộc sống gắn liền với âm nhạc có ích cho tất cả chúng ta, bất kể già hay trẻ. Chính vì vậy hãy cho trẻ nghe nhạc ngay từ khi trẻ còn nằm trong bụng mẹ, mẹ nhé! 2. Tập thể dục Những đứa trẻ chỉ biết vui đầu vào sách vở và dành hầu hết thời gian cho học tập liệu sẽ đạt được nhiều thành tích cao? Năm 2007, trong một nghiên cứu về con người, các nhà khoa học Đức đã phát hiện ra rằng sau khi tập thể dục hoặc vận động thể lực, chúng ta sẽ ghi nhớ từ vựng nhanh hơn 20%. Nghiên cứu cũng cho thấy một chế độ tập luyện khoa học và đều đặn trong suốt 3 tháng sẽ giúp bạn tăng khả năng ghi nhớ và học tập lên tới 30%. Nhà tâm thần học Scott Small - trưởng nhóm nghiên cứu nói: "Nếu bạn muốn học giỏi hơn và thông minh hơn, đừng ngồi lì ở bàn học hoặc chúi mũi vào sách cả ngày mà hãy chịu khó vận động cơ thể nhiều hơn". Bây giờ bố mẹ đừng ép trẻ suốt ngày ngồi bàn học nữa nhé, mà hãy tạo cơ hội để trẻ được vui chơi khoa học. 3. Ngủ đủ giấc và đúng giờ Nghiên cứu khoa học đã phát hiện một sự thật gây sốc: chỉ cần thiếu một giờ ngủ mỗi ngày cũng đủ để khiến não bộ của học sinh lớp 6 biến thành não bộ của học sinh lớp 4. TS. Avi Sadeh, hiện đang giảng dạy tại ĐH Tel Aviv đã thực hiện một nghiên cứu về giấc ngủ và đưa ra kết luận: "Mất một giờ ngủ là mất hai năm trưởng thành và phát triển nhận thức". Bạn có thể thấy điều đó rõ nhất từ những đứa trẻ sơ sinh. Khi chúng thiếu ngủ chúng trở nên khó tính, cáu gắt và bố mẹ có dỗ dành thế nào chúng cũng rất lâu nín. Điều đó, gây ảnh hưởng đến não bộ của trẻ nên bố mẹ cũng tạo lập thói quen cho trẻ ngay từ nhỏ là ngủ đúng giờ và ngủ đủ giấc nhé! 4. Đọc sách cùng trẻ chứ không phải đọc cho trẻ nghe Nghiên cứu cho thấy càng làm quen với ngôn ngữ sớm thì kỹ năng đọc của trẻ sẽ càng nhanh hoàn thiện và có nhiều tiềm năng phát triển hơn. Khi bạn tập cho con đánh vần và cùng đọc với trẻ, con sẽ có động lực để trau dồi kiến thức mới mẻ này. Ngoài ra, đây cũng là cách tốt để thắt chặt mối liên kết giữa cha mẹ và trẻ. Vì thế nếu bạn có một em bé đang đến tuổi học đọc, đừng để con phụ thuộc hoàn toàn vào mình bằng cách đọc và chỉ cho trẻ xem tranh. 5. Tôn trọng tính kỷ luật Kỷ luật và sự tự giác đánh bại chỉ số IQ trong việc dự đoán ai sẽ là người thành công trong cuộc sống. Rất nhiều nghiên cứu cho thấy sức mạnh ý chí chính là thói quen sống quan trọng nhất giúp một người vươn tới thành công. Học sinh có nghị lực mạnh mẽ thường là người đạt điểm cao trong lớp và được chọn vào các trường chất lượng cao. Họ ít khi bỏ học, ít xem ti vi và dành nhiều thời gian làm bài tập hơn các bạn đồng lứa. Tác giả đã đoạt giải Pulitzer - Charles Duhigg đã viết trong cuốn sách nổi tiếng Power of Habit của mình rằng: "Học sinh có tính tự kỷ luật cao thường tỏ ra vượt trội hơn các bạn đồng lứa trên mọi lĩnh vực học thuật. Tính tự kỷ luật có thể giúp dự đoán kết quả học tập tốt hơn chỉ số IQ. Tính tự kỷ luật cũng cho biết học sinh nào sẽ tiến vào top đầu của lớp trong một học kỳ, trong khi chỉ số IQ không thể làm được... Tóm lại, tính tự kỷ luật có sức ảnh hưởng lớn lên thành tích học tập hơn tài năng trí tuệ thiên bẩm". 6. Hạnh phúc quyết định thành công Hãy cho con một ấu thơ hạnh phúc nếu bạn muốn trẻ thành công trong tương lai! Đố là điều mà tất cả các bậc cha mẹ luôn ghi nhớ. Có một cuộc sống hạnh phúc từ thuở ấu thơ là lợi thế rất lớn cho bất kỳ con người nào. Những đứa trẻ hạnh phúc sẽ có cái nhìn tích cực và lạc quan hơn vào cuộc sống, nhờ đó mà các bé sẽ lớn lên tự tin, dạn dĩ và dám sẵn sàng theo đuổi ước mơ. Nhiều cuộc khảo sát đã cho thấy người hạnh phúc thành công hơn trong cả cuộc sống lẫn tình cảm. Họ cũng có trung bình thu nhập cao hơn và có hôn nhân bền vững hơn. Điều quan trọng nhất mà bạn cần ghi nhớ là nếu muốn con cái hạnh phúc, trước hết cha mẹ cũng phải hạnh phúc. Vì thế, hãy tập sống lạc quan và tươi cười nhiều hơn mỗi ngày. Tâm trạng của bạn sẽ tác động mạnh lên con trẻ. 7. Luôn được cha mẹ và thầy cô tin tưởng Khi cha mẹ và giáo viên tin tưởng vào khả năng của một đứa trẻ và giúp bé cũng có được niềm tin đó, sẽ có những điều kỳ diệu xuất hiện. Hai nhà khoa học Robert Rosenthal and Lenore Jacobson Pygmalion đã thực hiện nghiên cứu tại một lớp học cho thấy lời khen của giáo viên tác động rất lớn đến kết quả học tập của học trò. Giáo viên được yêu cầu chọn một nhóm học sinh ngẫu nhiên (có cả học lực giỏi, khá và trung bình) và nói với họ rằng: "Trò đã làm rất tốt. Tôi tin là trò sẽ tiến bộ hơn nữa". Kết quả là hầu hết số học sinh này đều thật sự có tiến bộ trong việc học tập. Điều này cũng đúng với các bậc cha mẹ. Sự nghiêm khắc tất nhiên là cần thiết trong việc giáo dục con, nhưng đôi khi bạn nên thoải mái hơn và dành cho con những lời khen nhiệt thành khi bé đạt được một thành tích nào đó. Nhưng phải lưu ý rằng đừng đặt điều gì quá nặng lên trẻ, nếu không nó sẽ biến thành áp lực nặng nề và đôi khi sẽ là phản tác dụng. 8. Gần mực thì đen, gần đèn thì rạng Nghiên cứu của tác giả cuốn sách The Tipping Point: How Little Things Can Make a Big Difference - Malcolm Gladwell đã chỉ ra rằng gien di truyền quan trọng hơn cách nuôi dạy trong việc dự đoán trí thông minh của trẻ. Malcolm Gladwell nói: "Con cái thường có khả năng trí tuệ và một số đặc điểm tính cách tương tự như cha mẹ đẻ của mình. Trong khi đó, con nuôi thường không có nét gì chung với cha mẹ nuôi dù đó là những người đã nuôi dạy, chăm sóc và yêu thương trẻ trong suốt gần hai mươi năm cuộc đời". Tuy nhiên, Malcolm cũng khẳng định rằng gen di truyền không phải yếu tố quan trọng duy nhất quyết định khả năng thành công của trẻ. Có một yếu tố khác cũng quan trọng không kém - môi trường sống. Nghiên cứu cho thấy những đứa trẻ được sống trong một môi trường lành mạnh từ nhà ở cho đến trường học, được vây quanh bởi những bạn bè tốt bụng và thông minh thì cũng có xu hướng phát triển nhân cách tương tự như vậy. Một nghiên cứu khác của nhà kinh tế học Bruce Sacerdote đã chứng minh tính đúng đắn của lý thuyết trên. Ông phát hiện ra rằng những sinh viên thường xuyên bị điểm thấp sẽ cải thiện được điểm số sau một thời gian ở chung phòng với sinh viên giỏi. Bruce nói: "Những người đồng lứa khi ở gần nhau thì rất dễ 'nhiễm' các thói quen của nhau, cả tốt và xấu. Tuy nhiên, người nào có tính cách mạnh mẽ và ưu điểm vượt trội hơn sẽ lôi cuốn người kia hơn. Đó là lý do sinh viên học yếu sẽ tiến bộ hơn nếu được ở cùng những người học giỏi". Hãy luôn là những bậc cha mẹ thông thái nhé!
0107/2020
4 MẸO NHỎ GIÚP BÉ PHÁT TRIỂN TRÍ THÔNG MINH
4 MẸO NHỎ GIÚP BÉ PHÁT TRIỂN TRÍ THÔNG MINH
Các mẹ thường nghĩ, muốn con phát triển trí thông minh thì phải tốn tiền đầu tư cho con học hành, uống sữa ngoại nhưng ít ai biết chính những tình cảm, hành động yêu thương dành cho con ngay từ trong bụng mẹ lại giúp bé khôn ngoan và thông minh hơn. Hãy cùng GIÁO DỤC SỚM thực hiện từng bước nhỏ dưới đây để giúp bé thông minh từ trong bụng mẹ nhé: Khuyến khích khả năng phản ứng Khuyến khích khả năng đáp ứng của bé bằng trò chơi kích thích vận động đơn giản. Đến tháng thứ 6 - 7, khi bé đã có thể đá trong bụng mẹ, bạn hãy ghi nhớ vị trí quan trọng đó. Sáng sớm khi ngủ dậy hoặc vào lúc thư giãn buổi tối, mẹ bầu xoa nhẹ vào vị trí bé thường đá, và thủ thỉ “Đá đi con yêu” hay chỉ đơn giản “con yêu ơi”. Có thể bé sẽ không phản ứng ngay lần đầu tiên, nhưng càng về sau, bé sẽ biết cách đá đúng vị trí bạn xoa trên bụng theo yêu cầu của mẹ. Tạo sự gần gũi với trẻ qua âm nhạc Nhiều mẹ bầu cho con nghe nhạc với mong muốn phát triển trí thông minh cho bé về sau. Tuy lý thuyết này chưa được kiểm định chắc chắn 100% nhưng có một điều chắc chắn rằng sau khi chào đời, bé sẽ cảm thấy thân quen, gần gũi và dễ chịu với bản nhạc mình đã từng nghe trong bụng mẹ. Một điều quan trọng nữa mẹ cần phải biết, đó là âm nhạc cũng có những ảnh hưởng tiêu cực với thai nhi. Khi nghe nhạc quá lớn, chẳng hạn ở buổi hòa nhạc, dù âm thanh không thể xuyên qua người bạn để gây hại đến thính giác của bé, nhưng vẫn có tác động xấu nhất định đến phản ứng và tính cách của bé. Sau này khi bé chào đời, khả năng thích ứng của bé sẽ bị suy giảm. Bé sẽ dễ cáu gắt, la khóc khi thấy khó chịu. Đọc truyện hay kể chuyện thường ngày cho bé nghe Cũng như âm nhạc, giọng nói của mẹ chính là liều thuốc tuyệt với đểdỗ bé nín khóc hay ru bé ngủ khi bé chào đời. Hãy chọn cho bé những mẩu chuyện ngắn, dễ thương và đọc cho bé nghe nhẹ nhàng, trìu mến. Hoặc đơn giản hơn, mẹ có thể tâm sự và trò chuyện với con một ngày của mẹ như thế nào để con có thể cảm nhận cũng mẹ Dạy bé qua chế độ dinh dưỡng của mẹ. Sự kết nối mạnh mẽ nhất giữa mẹ và bé chính là chuyện ăn uống đấy. Thông qua những gì mẹ ăn, bé cảm nhận môi trường bên ngoài như môi trường bên trong. Nếu mẹ biếng ăn, ăn ít hoặc chỉ thích ăn vặt, bé sẽ cảm thấy thế giới bên ngoài thiếu thốn và không có gì thú vị. Tuy nhiên đừng vì vậy mà ăn quá nhiều để cho bé cảm giác đầy đủ, vừa phải thôi nhé mẹ bầu, ăn nhiều chỉ khiến bé dễ có nguy cơ thừa cân sau này mà thôi. Thật nhỏ bé nhưng cũng thật tuyệt vời phải không bạn. Mang thai là giai đoạn để trải nghiệm cảm giác hạnh phúc vì được đảm nhận một thiên chức làm mẹ hoàn toàn mới nên cần phải đảm bảo những điều tốt đẹp nhất cho con trước khi bé chính thức chào đời. Thai giáo hiệu quả chính là phương pháp tốt nhất giúp con trẻ phát triển toàn diện hơn đấy. Hãy luôn đồng hành và ủng hộ cùng GIÁO DỤC SỚM nhé!
0107/2020
MÀU SẮC ẢNH HƯỞNG THẾ NÀO ĐẾN THỊ GIÁC CỦA TRẺ
MÀU SẮC ẢNH HƯỞNG THẾ NÀO ĐẾN THỊ GIÁC CỦA TRẺ
Những màu sắc bé tiếp xúc từ thuở ấu thơ có tác động khá lớn đến sự phát triển thị giác cũng như trí não của trẻ. Theo nghiên cứu của nhiều nhà khoa học, có những màu sắc giúp bé trở nên thông minh hơn, ngược lại có những màu hạn chế tư duy tích cực của trẻ. Cùng khám phá ý nghĩa của từng màu sắc dưới đây các mẹ nhé! Màu hồng: màu mà hầu hết các cô công chúa nhỏ đều yêu thích. Màu thể hiện tình yêu dịu dàng, màu hồng rất tốt cho giấc ngủ, đặc biệt phù hợp với các trẻ sơ sinh. Màu xanh lá cây: Giúp kích thích các dây thần kinh, phát triển kỹ năng tư duy logic, thúc đẩy trẻ tìm tòi khám phá những điều mới lạ. Nếu mẹ muốn bé cư xử hòa nhã, thúc đẩy sự tự tin thì rất nên sơn tường nhà bằng màu xanh lá cây. Màu sắc này rất hợp dành cho những bé đang ở độ tuổi mẫu giáo. Vàng, trắng ngà: Bạn có để ý thấy tường phòng học thường rất hay được sơn bằng màu vàng hoặc màu trắng ngà? Điều đó cũng có lý do hoàn toàn hợp lý khi hai màu này giúp một không gian hạnh phúc, nâng cao hiệu quả công việc. Đối với những em bé bắt đầu bước vào độ tuổi đi học, màu vàng, trắng ngà sẽ thúc đẩy các em phát huy tính kiên trì. Cam: Với những em bé hơi trầm tính, màu cam có thể giúp điều chỉnh tâm trạng theo hướng tích cực hơn. Tuy vậy, nếu nhìn quá lâu, bé sẽ bị hưng phấn quá mức, dễ gây ảo giác. Màu xanh da trời: Ngược lại, với những bé có tính cách quá hiếu động, bố mẹ lại nên để bé tiếp xúc với màu xanh da trời vì màu này khiến tâm trạng bình tĩnh hơn, làm dịu mắt. Tuy nhiên cũng không nên để bé tiếp xúc quá lâu sẽ phản tác dụng khi gây ra triệu chứng trầm cảm. Tím: Một mảng tường màu tím sẽ gây mệt mỏi thị giác, thậm chí gây chóng mặt. Đây là một trong những màu không nên sử dụng để sơn tường cho phòng của trẻ. Hoặc nếu sử dụng chỉ nên tạo mảng miếng décor, không nên sơn ở diện tích lớn. Nâu: Là tông màu có vẻ “hiền lành” và vô hại, nhưng thực tế, màu nâu làm giảm sáng kiến, trí tưởng tượng và khả năng làm việc độc lập của trẻ. Màu đỏ: Màu đỏ là một trong những tông màu mạnh và hiếm khi được sử dụng để sơn tường phòng ngủ cho trẻ. Nó kích thích mạnh khiến trẻ có xu hướng hung bạo, khó chịu và bực bội.
0107/2020
  • 1
  • 2
  • ...
  • 4
  • Next
  • Last

THE MAPLE LEAF ACADEMY

Hệ thống Mầm Non Lá Phong Xanh

 

 

THE MAPLE LEAF ACADEMY SYSTEM

► Hotline: 096 360 0026 | 096 412 9900
► E: mapleleaf.contact@gmail.com

🏡 Lá Phong Xanh CS1
LK16, Lô 21, KĐT An Hưng, Hà Đông, Hà Nội
024 666 49596

🏡 Lá Phong Xanh CS2
LK16, Lô 04&05, KĐT An Hưng, Hà Đông, Hà Nội
024 222 53268

🏡 Lá Phong Xanh CS3
LK7, Lô 19, KĐT Văn Khê, Hà Đông, Hà Nội
024 222 53235

🏡 Lá Phong Xanh CS4
LK9, Lô 2, KĐT Văn Khê, Hà Đông, Hà Nội
024 628 51752

🏡 Lá Phong Xanh CS5
LK10, Lô 3, KĐT Văn Khê, Hà Đông, Hà Nội
024 222 53173

🏡 Lá Phong Xanh CS6 - Mạc Thái Tổ
33 Mạc Thái Tổ, Cầu Giấy, Hà Nội
024 6666 4838

🏡 Lá Phong Xanh CS7 - Ban Mai
Số 04-06, Dãy BNV-04B, Lô HH04, KĐT mới Việt Hưng, Long Biên, Hà Nội
024 365 25726

🏡 Lá Phong Xanh CS8 - Ecopark
136, Thủy Nguyên, West Bay, Ecopark, Hưng Yên
0221 655 0099

🏡 Lá Phong Xanh CS9 - Spring
BT 1.4, N04A, Ngoại Giao Đoàn, Bắc Từ Liêm, Hà Nội
024 629 47199

🏡 Lá Phong Xanh CS10 - Vườn Đại Sứ
Tòa nhà N01T3, Ngoại Giao Đoàn, Bắc Từ Liêm, Hà Nội
024 7300 1411

🏡 Lá Phong Xanh CS11 - Lá Phong Xanh HOS
201, Nguyễn Tuân, Thanh Xuân, Hà Nội
096 104 2468

🏡 Lá Phong Xanh CS12 - Hồ Thiên Văn
D03-L28 & D03-L27 Khu A KĐT mới Dương Nội, Hà Đông, Hà Nội
096 360 0026

Thiết kế website bởi Creative VietNam